Với việc mở cửa thêm nhiều mặt hàng vào thị trường Trung Quốc, nông sản Việt Nam thêm cơ hội cất cánh.
Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình từ ngày 14 đến 15-4, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ký với Tổng cục Hải quan Trung Quốc 4 nghị định thư mở đường cho ớt, chanh leo, tổ yến và cám gạo xuất khẩu sang Trung Quốc.
Thông tin tích cực
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), nhìn nhận sự kiện này là tin rất tích cực cho ngành lúa gạo Việt Nam. Bởi lẽ, trước đây, cám gạo được bán sang Trung Quốc rất nhiều nhưng sau đó bị ngưng và yêu cầu phải đàm phán để có được nghị định thư.
Trong thời gian đó, giá cám gạo xuống thấp do cung vượt cầu, gây áp lực lên mặt hàng gạo bởi chi phí sẽ cao hơn. “Từ hạt lúa thì 60% là gạo, 40% là các phụ phẩm như tấm, cám, trấu. Việc phụ phẩm có đầu ra đa dạng giúp nâng giá trị cho toàn ngành” – Chủ tịch VFA đánh giá.
Cũng theo ông Nam, khi cám gạo được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) trong ngành tham gia đầu tư cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu trực tiếp, còn hiện tại chủ yếu là bán nguyên liệu thô.
Với ngành yến sào, ông Hồng Đình Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam, bày tỏ biết ơn sự nỗ lực của cơ quan có thẩm quyền hai bên vì đã mở thêm cửa cho mặt hàng yến thô Việt Nam. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý các hộ nuôi rằng xuất khẩu chính ngạch không đơn giản là thu hoạch yến rồi mang đi xuất khẩu mà cần phải xử lý nhiệt tại nhà máy đạt tiêu chuẩn và được phê duyệt bởi Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Tương tự, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cũng bày tỏ vui mừng khi chanh leo và ớt được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc sau thời gian thí điểm. Dự kiến, nhờ cánh cửa mới được mở, ngành rau quả Việt Nam có thể xuất khẩu thêm 200 – 250 triệu USD, góp phần bù đắp việc sụt giảm giá trị xuất khẩu của ngành sầu riêng.
Theo ông Nguyên, cả chanh leo và ớt Trung Quốc đều có hàng nội địa nên hàng Việt Nam chỉ có lợi thế ở một số thời điểm nhất định. Ngoài ra, vùng nguyên liệu chanh leo của Việt Nam hiện đang bị thu hẹp do sự cạnh tranh của các cây trồng khác như sầu riêng, cà phê… nên cũng phải tính toán lại để có chuỗi cung ứng tối ưu.
Ông Bùi Mạnh Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Vietnox Agri (Đắk Lắk), nhận định việc Việt Nam có thêm nghị định thư để xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc sẽ tiếp tục mở ra cơ hội tốt để DN khai thác thị trường tỉ dân này.
Đặc biệt, hai quốc gia có lợi thế gần nhau nên việc giao thương càng trở nên thuận lợi. DN cần đẩy mạnh xây dựng vùng nguyên liệu gắn với mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để sẵn sàng đáp ứng các đơn hàng “bùng nổ” trong thời gian tới.
Bà Lương Thị Mỹ Huệ, Giám đốc Công ty TNHH Thảo dược Tây Nguyên (DATO) – đơn vị liên kết với đồng bào dân tộc thiểu số trồng gia vị và dược liệu ở tỉnh Kon Tum, vui mừng khi biết thông tin quả ớt của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
“Mấy năm nay, vùng nguyên liệu ớt thu hẹp do giá cả bấp bênh vì phụ thuộc xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc. Hy vọng khi được xuất khẩu chính ngạch sẽ giúp mở rộng vùng nguyên liệu ớt bền vững để đáp ứng nhu cầu không chỉ ở thị trường Trung Quốc mà còn nhiều thị trường khác đang có nhu cầu rất lớn với loại gia vị này” – bà Huệ cho biết.
Phải xây dựng thương hiệu
Bà Lý Hứa Thị Lan Phương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Yến sào Bảy Núi (An Giang), cho biết bà đã mong chờ sự kiện này từ rất lâu. Công ty đã chủ động chuẩn bị mặt bằng để xây dựng nhà máy xử lý nhiệt, nhằm đáp ứng yêu cầu khắt khe đối với sản phẩm thô, vốn khác biệt hoàn toàn so với sản phẩm tinh chế.
Đặc biệt, trong bối cảnh giá yến sào đang thấp hơn so với nhiều năm qua, bà Phương tin rằng việc mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là tại Trung Quốc – nơi có nhu cầu lớn và hệ thống công xưởng chế biến hiện đại, sẽ góp phần nâng giá trị sản phẩm yến Việt, xứng đáng với chất lượng vốn có. Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh để tiếp cận và trụ vững tại thị trường này, ngành nuôi yến trong nước cần tiếp tục cải thiện chất lượng nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Theo ông Hồng Đình Khoa, dù Trung Quốc đã cho phép nhập khẩu yến tinh chế từ cuối năm 2023 nhưng thực tế trong năm 2024 mới chỉ nhập khoảng 4,4 tấn, tương đương 5,5 tấn yến thô – một con số rất khiêm tốn so với sản lượng hơn 200 tấn/năm của Việt Nam.
Nguyên nhân chính là do thương hiệu yến sào Việt Nam vẫn còn xa lạ với người tiêu dùng Trung Quốc, trong khi các đối thủ như Malaysia hay Indonesia đã có chỗ đứng vững chắc. Do đó, ngoài việc cạnh tranh về chất lượng, DN Việt Nam phải nỗ lực xây dựng thương hiệu, đồng thời đối mặt với áp lực cạnh tranh trong mua nguyên liệu và phân phối tại thị trường này.
Từ góc nhìn của một doanh nhân giàu kinh nghiệm trong xuất khẩu nông sản, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An – Mỹ Bình (Long An), cho biết hiện Trung Quốc là thị trường mua chuối với giá cao nhất thế giới. Dù DN vẫn duy trì ổn định xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc theo hợp đồng giá cố định nhưng thị trường Trung Quốc lại mang tính biến động mạnh nên buộc DN phải linh hoạt thích nghi.
Ông cho rằng Trung Quốc không phải là thị trường “dễ tính” như nhiều người lầm tưởng. Người tiêu dùng ngày càng chú trọng chất lượng, truy xuất nguồn gốc và yêu cầu rất cao từ khâu sản xuất đến phân phối. Các nhà buôn nhỏ có thể dễ tính nhưng các DN lớn, lực lượng chi phối thị trường, lại rất chuyên nghiệp và khắt khe.
Chính vì vậy, ông Huy nhấn mạnh vai trò quan trọng của sự hỗ trợ từ cơ quan nhà nước trong việc kết nối với các nhà phân phối lớn, qua đó giúp DN Việt Nam ổn định đầu ra và tăng khả năng cạnh tranh.
Ông cũng chỉ ra một điểm khác biệt trong cơ chế quản lý giữa các thị trường: nếu như Nhật Bản hay Hàn Quốc có quy trình rõ ràng và minh bạch khi phát hiện rủi ro như rệp hay dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thì Trung Quốc lại thường không thông báo ngay mà lưu hồ sơ, đến một thời điểm sẽ gửi cảnh báo đồng loạt, khiến DN khó trở tay kịp.
Từ thực tiễn sản xuất, ông Huy cho rằng Việt Nam hiện đã số hóa vùng trồng và quản lý khá chặt chẽ mùa vụ, do đó việc đàm phán mở cửa thị trường nên ưu tiên cho những loại quả có sản lượng lớn và khả năng cạnh tranh cao. Ông đặc biệt nhấn mạnh đến quả bưởi – loại trái cây nếu được phép xuất khẩu sang Trung Quốc có thể mang lại giá trị lên tới hàng tỉ USD/năm.
Mở rộng thị trường, tăng sức cạnh tranh
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, cho biết DN đã có đơn hàng từ thị trường Nhật Bản đến giữa năm 2026. Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu, DN phải chủ động theo dõi tình hình quốc tế, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh kịp thời để giảm thiểu rủi ro.
Theo ông Lực, dù không thiếu đơn hàng nhưng vấn đề lớn nhất hiện nay là cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Nguồn cung tôm giá rẻ từ Ecuador, Ấn Độ gây áp lực lên giá và sản lượng xuất khẩu của Việt Nam. Riêng với thị trường Mỹ, DN cần duy trì liên lạc thường xuyên với khách hàng và đối tác để cùng chia sẻ rủi ro, đặc biệt nếu Mỹ áp thuế mới lên hàng thủy sản Việt Nam. Do đó, việc xây dựng hệ thống thị trường đa tầng – gồm thị trường chiến lược, trọng điểm và tiềm năng – là cần thiết để giảm lệ thuộc và bảo đảm tính linh hoạt trong điều hành.
Ở góc độ khác, ông Trần Ngọc Quân, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU, nhấn mạnh để nông sản Việt Nam vào sâu hệ thống siêu thị châu Âu, DN cần tập trung vào những mặt hàng phù hợp nhu cầu tiêu dùng phổ thông, có khả năng cạnh tranh về giá. Bên cạnh đó, việc cải tiến công nghệ bảo quản và hạ giá thành là yếu tố then chốt, bởi phần lớn người tiêu dùng siêu thị châu Âu có xu hướng chọn hàng bình dân.
Sắp tới, mùa vải thiều sẽ bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 6. Theo ông Quân, dù quả vải Việt Nam được đánh giá ngon, ngọt hơn nhiều nước, song giá bán tại siêu thị châu Âu lên tới hơn 20 euro/kg – cao hơn đáng kể so với quả vải từ các nước khác (chỉ 8 – 10 euro/kg). Đặc biệt, nhược điểm của quả vải Việt là khó bảo quản lâu, trong khi quả vải của đối thủ có thể bảo quản dài ngày dù chất lượng kém hơn. Vì vậy, muốn tăng hiện diện tại châu Âu, DN cần tìm giải pháp kéo dài thời gian bảo quản và giảm chi phí, nhằm nâng cao sức cạnh tranh.
Theo Báo Người Lao Động