Để đạt mục tiêu tăng trưởng 10%, cần ưu tiên tháo gỡ rào cản ngành năng lượng. Đầu tư vào điện và năng lượng tái tạo trở nên cấp bách trong bối cảnh nhu cầu ngày càng tăng.
Nhiều rào cản phát triển năng lượng tái tạo
Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên vương mình với khát vọng phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, hướng tới tăng trưởng 10% trong những năm tới. Để hiện thực hóa mục tiêu này, việc bảo đảm đủ năng lượng cho phát triển kinh tế là thách thức lớn cần vượt qua.
Theo TS. Phan Xuân Dũng – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, chủ trương phát triển năng lượng của Đảng và Nhà nước được thể hiện rõ trong Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị, Quy hoạch điện VIII và các văn bản pháp luật như Luật Điện lực, Luật Năng lượng nguyên tử cùng nhiều luật liên quan khác.
Định hướng phát triển của Chính phủ, hệ thống điện của Việt Nam sẽ phát triển theo chiều hướng xanh, sạch, bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng xanh tuần hoàn, phát thải thấp, phù hợp với các tiêu chuẩn, chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam cũng như cam kết tại COP 26, đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Tuy nhiên, theo TS. Phan Xuân Dũng để đạt được mục tiêu này, vẫn còn nhiều văn bản và quy định pháp luật cần được sửa đổi và thông qua trong thời gian tới, khi cơ chế chính sách của nhà nước trong cả ngắn, trung và dài hạn đều sẽ tập trung vào phát triển ngành công nghiệp năng lượng.
“Cần tháo gỡ khó khăn rào cản từ các cơ chế chính sách, thủ tục và quy định pháp lý trong đầu tư, phát triển các dự án điện và năng lượng tái tạo. Điều này có ý nghĩa quan trọng với việc hoàn thành mục tiêu đặt ra với ngành năng lượng, cũng như góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước nói chung” – TS. Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.
Phát triển điện hạt nhân đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia
Xuyên suốt thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm lớn cho phát triển năng lượng quốc gia, với quan điểm năng lượng cần được đi trước một bước để tạo nền tảng hạ tầng thiết yếu cho phát triển kinh tế – xã hội.
Theo PGS. Huỳnh Thành Đạt – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương – trong bối cảnh cần tăng tốc, bứt phá để đưa đất nước vượt lên giai đoạn mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, ngày 25.11.2024, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thống nhất chủ trương tái khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và tiếp tục nghiên cứu chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam nhằm bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ, phát triển bền vững cho đất nước.
“Quốc hội và Chính phủ đang hết sức nỗ lực chỉ đạo, khẩn trương thực hiện điều này, trong đó dự án Luật Năng lượng Nguyên tử sửa đổi đang được tham vấn và tích cực hoàn thiện để thông qua, nhằm thể chế hóa chủ trương phát triển và ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình. Trong đó, phát triển điện hạt nhân nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng trong tương lai là mục tiêu quan trọng. Đây là dự án luật được yêu cầu tạo hành lang pháp lý đầy đủ, chặt chẽ cho việc nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ hạt nhân an toàn, bền vững, giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch” – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương nhấn mạnh.
Theo PGS. Huỳnh Thành Đạt, các quy định trong luật giúp thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ hiện đại, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong phát triển nông nghiệp, y tế, công nghiệp, môi trường, và nhiều lĩnh vực khác. Có thể nói, điện hạt nhân là giải pháp quan trọng trong việc chuyển đổi năng lượng, góp phần phát triển đất nước.
Dù đã có nhiều cơ chế, chính sách được ban hành, song Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương chỉ rõ: Thực tế triển khai còn nhiều khó khăn. Những rào cản về chính sách vẫn gây ra tâm lý e ngại cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết tâm của Đảng, sự quyết liệt của Chính phủ, các cơ quan chức năng đang đẩy nhanh tốc độ điều chỉnh chính sách, khắc phục những bất cập để tạo môi trường thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư.
Theo Báo Lao Động