Trong lúc cơ quan chức năng vẫn đang xử lý vụ gần 600 loại sữa giả do Công ty cổ phần dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP dược dinh dưỡng Hacofood Group sản xuất và quảng cáo tràn lan trên internet, các clip quảng cáo quá mức, sai sự thật… vẫn nhan nhản, bủa vây người dùng.

Từ sữa đến mỹ phẩm…

Đã nhiều ngày trôi qua, chị Nguyễn Thảo Hiền (ngụ thị trấn Phú Thái, H.Kim Thành, Hải Dương) vẫn chưa hết bức xúc khi mua nhầm sữa giả cho con. Trình bày với PV Thanh Niên, chị Hiền cho biết con chị được 22 tháng, bé tiêu hóa kém nên chị tìm mua các loại sữa để bổ sung cho con. Trước đó, chị thường mua sữa tại cửa hàng T.N trên địa bàn, cơ sở này cũng có bán hàng online. Cách đây 2 tháng, phía cửa hàng nói đã hết loại sữa chị Hiền thường dùng và tư vấn chị mua Neo Gold A+ Pedia. Tin lời người bán, chị đã mua 2 hộp cho con uống. Từ lúc đổi sang sữa mới, con chị lúc nào cũng trong tình trạng chán ăn, tiêu hóa cực kỳ kém, thậm chí phải nhập viện vì viêm ruột.

Quảng cáo thổi phồng, quá lố vẫn tràn lan

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

“Sau khi dùng 2 hộp sữa Neo Gold xong, chủ shop tư vấn cho tôi đổi sang loại khác để cải thiện cho bé vì không hợp sữa. Cho đến mấy ngày gần đây, khi biết cả ba loại đều có tên trong danh sách sữa giả, tôi rất phẫn nộ. Không chỉ gia đình tôi mà nhiều người mẹ khác cũng chung hoàn cảnh, có người còn mua cả thùng. Nguy cơ sức khỏe của con tôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng khi tôi liên hệ chủ shop để yêu cầu có hình thức bồi thường và xin lỗi, nhận trách nhiệm trước cộng đồng thì chủ shop im lặng không trả lời. Khi bán hàng, người tư vấn đều nói sản phẩm hiệu quả, công dụng ngút trời nhưng đến khi xảy ra sự cố thì phủi trách nhiệm, nói họ chỉ bán hàng thôi chứ không phải nhà sản xuất”, chị Hiền bức xúc.

Trước khi bị phát hiện và xử lý, các sản phẩm sữa giả nói trên đều được quảng cáo công khai với những lời giới thiệu hết sức bắt tai, thậm chí có sự tham gia của một số nghệ sĩ, nhân vật nổi tiếng, nên có thể đánh vào tâm lý của người dùng.

Không chỉ sữa, trên hàng loạt trang bán hàng, sàn thương mại điện tử hiện vẫn tràn lan những quảng cáo “trên trời dưới biển” của nhiều hàng hóa khác. Ví dụ, clip đánh giá kem chống nắng Anessa của reviewer (người chuyên đánh giá sản phẩm) tên H.L được lan truyền trên nhiều trang bán hàng, sàn thương mại điện tử. Quảng cáo của H.L khẳng định chắc nịch: “Sản phẩm này có ưu điểm bám rất chắc trên da. Nếu sử dụng sản phẩm khi đi bơi hay da dầu nhờn thì lớp chống nắng vẫn ở nguyên trên mặt chứ không chảy nhiễu nhão. Từ sáng đến tối, lớp chống nắng vẫn rất đẹp, rất mịn trên da…”. Tuy nhiên, nhiều người sử dụng cho biết loại kem chống nắng này cũng giống các loại khác là vẫn phải dặm lại trong ngày vì không có loại kem chống nắng nào duy trì được lớp bảo vệ quá 5 – 6 giờ… Không chỉ quảng cáo lố mà trên sàn Shopee, H.L này rao bán kem chống nắng Anessa chỉ với giá 82.900 đồng trong khi các cửa hàng đều bán không dưới 600.000 đồng/lọ.

Tràn lan thực phẩm chức năng “thần kỳ”

Người dùng đang bị bủa vây giữa rừng quảng cáo trên internet

Không chỉ các loại hàng hóa phổ thông, những sản phẩm liên quan đến sức khỏe và cần phải đăng ký với cơ quan quản lý trước khi đưa ra thị trường cũng được quảng cáo thổi phồng quá mức. Trên sàn Shopee, khi tìm kiếm về thuốc uống giảm cân thì có hàng trăm sản phẩm khác nhau, từ các loại kẹo đến viên uống sủi, trà thảo dược, trà túi lọc, cà phê giảm cân, nước uống giảm cân… Trong đó, một cá nhân rao bán lọ kẹo Esmond tự nhiên được quảng bá có xuất xứ từ Mỹ với tiêu đề “7 ngày giảm cân từ 1 – 16 kg, giảm cân mạnh, giảm cân cấp tốc, giảm mỡ bụng” cùng hàng loạt công dụng được đưa ra gồm giảm cân nhanh chóng và dễ dàng trong 7 ngày, không cần tập luyện hay ăn kiêng; Nhắm vào mỡ cứng đầu, đặc biệt là vùng đùi và eo; Tăng cường quá trình trao đổi chất, giúp tế bào mỡ tự nhiên đốt cháy; Hỗ trợ giảm cân… Nhiều công năng “thần kỳ” như vậy nhưng lọ thuốc này chỉ có giá 152.000 đồng. Trong khi đó, một gian hàng khác thì rao “Viên giảm cân cấp tốc BODY SLINE giảm ngay 10 – 12 kg sau 1 liệu trình nhanh an toàn hiệu quả hộp 30 viên”. Với liệu trình uống 2 viên/ngày thì chỉ sau 15 ngày người béo phì có thể giảm cân như mong muốn mà chỉ tốn 129.000 đồng…

Hoặc khi tìm kiếm các loại thực phẩm chức năng hỗ trợ tăng chiều cao cho trẻ em trên các sàn thương mại điện tử thì kết quả cũng khiến người mua choáng ngợp. Nào là siro, bột canxi, thạch canxi, viên uống, sữa tăng chiều cao, cốm tăng chiều cao, vitamin tổng hợp… của VN lẫn các nước nhập khẩu. Những sản phẩm này phổ biến có giá trên 200.000 – 500.000 đồng/hộp. Tất cả đều được quảng cáo có công dụng giống nhau là “hỗ trợ phát triển hệ xương, tăng chiều cao cho bé” với những thành phần giống nhau. Hay trên TikTok Shop tràn lan những buổi livestream bán hàng với các mặt hàng thực phẩm nhiều công dụng. Đơn cử như trà búp ổi được giới thiệu là có chức năng thanh lọc cơ thể, ổn định huyết áp, dạ dày, đại tràng, tiểu đường… Trong một phiên khác, người bán sản phẩm giấm táo quảng cáo rằng chỉ cần uống 2 viên/ngày sẽ có công dụng giảm mỡ, hỗ trợ tiêu hóa, chữa đầy hơi khó tiêu. Trên Facebook, chủ shop Ngân98 với thông điệp “ăn nhiều không sợ béo” đăng hàng loạt video clip quảng cáo thuốc giảm cân từ 5 – 15 kg dành cho cơ địa “khó cứu” và dành cho những ai đã từng sử dụng trên 8 – 10 loại thuốc giảm cân nhưng vẫn không hiệu quả, đặc biệt là “giảm cân không cần ăn kiêng và cũng không cần tập thể dục”…

Trong khi đó, theo Thông tư số 11/VBHN-BYT quy định về Quản lý thực phẩm chức năng của Bộ Y tế tháng 11.2023, các đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng được tự công bố sản phẩm theo quy định. Tuy nhiên, đối với thực phẩm bổ sung chỉ được công bố hàm lượng của vitamin, khoáng chất khi hàm lượng chất đạt tối thiểu 10% tính theo lượng dùng khuyến cáo hằng ngày cho người VN (RNI) hoặc đạt tối thiểu 10% lượng sử dụng của thành phần đó đã nêu trong bằng chứng khoa học (đối với chất chưa có RNI) thì được công bố cụ thể tên, hàm lượng của các chất đó cho mỗi khẩu phần ăn hoặc trên 100 g sản phẩm… Như vậy không phải các đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng nào muốn công bố thành phần, tác dụng ra sao cũng được.

Cần phạt nặng gấp nhiều lần số tiền thu được

Lý giải việc người nổi tiếng, các cá nhân thực hiện livestream bán hàng rầm rộ tham gia quảng cáo lố, một chuyên gia marketing cho biết khoản tiền thu được quá lớn. Chẳng hạn, trên mạng lan truyền bảng giá đặt quảng cáo của Hằng Du Mục trong các phiên livestream bán hàng là từ 120 triệu đồng – 300 triệu đồng. Đặc biệt, các phiên livestream độc quyền cho một nhãn hàng có giá lần lượt 250 triệu đồng cho 2 giờ và 350 triệu đồng cho 3 giờ phát sóng. Những cá nhân có lượt quan tâm thấp hơn cũng có giá khoảng 50 – 100 triệu đồng cho một phiên livestream dài khoảng 2 giờ và kèm theo 1% doanh thu trong phiên… Trước đó, ngày 20.3, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ VH-TT-DL) ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với bà Nguyễn Thị Thái Hằng (hay còn gọi là Hằng Du Mục) và ông Phạm Quang Linh (Quang Linh Vlogs) mỗi cá nhân 70 triệu đồng và buộc phải cải chính thông tin sai lệch. Hai cá nhân này đã quảng cáo sai lệch, gây hiểu lầm về chất lượng sản phẩm kẹo rau củ Kera – một sản phẩm thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt do Công ty cổ phần ASIA LIFE (Đắk Lắk) sản xuất. Đến ngày 4.4, Bộ Công an thông báo Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Hằng Du Mục, Quang Linh Vlogs và một số bị can khác về tội lừa dối khách hàng.

Tuy nhiên, mới đây dư luận tiếp tục bức xúc trước đoạn clip một người nổi tiếng quảng cáo viên rau xanh và khẳng định “1 viên tương đương 5 kg rau củ quả”.

Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú bày tỏ lo ngại về vấn đề quảng cáo sai sự thật, quảng cáo lố tràn lan trên internet, bao gồm các diễn đàn mạng xã hội. Hơn thế nữa, thời gian gần đây, số lượng người nổi tiếng, nghệ sĩ tham gia livestream hay những cá nhân có lượng theo dõi “khủng” tổ chức livestream bán hàng khiến càng thêm bát nháo. Thế nhưng, chưa tính đến các vụ án bị khởi tố hình sự thì mức phạt hành chính hiện nay chỉ vài chục triệu đồng như “muối bỏ biển”, không thấm vào đâu so với số tiền các cá nhân thu được từ hoạt động quảng cáo cho các nhãn hàng. Vì thế, nhiều người vẫn không sợ, vẫn ngang nhiên quảng cáo láo, thổi phồng sản phẩm để bán càng nhiều càng tốt. Trong khi đó, ở các nước khác, mức xử phạt thường rất cao, có khi gấp nhiều lần doanh thu của sản phẩm quảng cáo gian dối.

“Tệ nạn này cần phải sớm được quản lý, chấn chỉnh mạnh mẽ hơn. Luật Quảng cáo có quy định rõ ràng về việc quảng cáo sản phẩm, có thẩm định về giấy phép, đăng ký, chứng nhận… trước khi giới thiệu ra công chúng nhưng nhiều cá nhân vẫn “vô tư” thổi phồng công dụng nhằm lôi kéo người dùng. Đây là hành vi lừa dối và nếu ở mức độ vi phạm kéo dài, lan rộng ra nhiều người thì có thể gọi là lừa đảo. Cần xem xét và có thể chỉnh sửa một số quy định nêu rõ cơ quan quản lý nào chịu trách nhiệm khi hàng bán trên thị trường, chẳng hạn như chức năng của quản lý thị trường ra sao? Hay trên từng địa phương thì phải có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước địa phương, sự phối hợp kiểm tra giám sát thế nào. Quan trọng nhất là mức chế tài, xử phạt bằng tiền phải được gia tăng mạnh hơn để những cá nhân khác biết sợ thì mới hạn chế được tệ nạn quảng cáo gian dối, lừa người tiêu dùng”, chuyên gia Vũ Vinh Phú chia sẻ thêm.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, nhấn mạnh: Hành vi quảng cáo sản phẩm sai sự thật là một trong những hành vi bị quy định pháp luật nghiêm cấm. Với tốc độ lan truyền của hệ thống thông tin điện tử ngày nay thì chỉ cần một bài quảng cáo cũng đã thông tin đến hàng ngàn người dân, trong đó tùy theo mức độ uy tín của người đăng bài thì số lượng người xem sử dụng sản phẩm cũng tỷ lệ thuận theo cấp số nhân. Vì thế nếu sản phẩm được quảng cáo là sản phẩm kém chất lượng sẽ càng gây nguy hại cho rất nhiều người khác, xâm phạm đến sức khỏe của người tiêu dùng. Trường hợp nghiêm trọng hơn là sản phẩm kém chất lượng được sử dụng rộng rãi, dẫn đến trở thành sản phẩm mang tính đại chúng, được sản xuất nhiều hơn và người dùng cũng ngoảnh mặt làm ngơ đối với các tác dụng phụ mà sản phẩm có thể đem lại, tạo nên vỏ bọc chất lượng mù quáng đối với sản phẩm.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI, việc kiểm tra giám sát chất lượng, nguồn gốc hàng hóa lưu thông trên thị trường đã được quy định cụ thể, có thể thuộc về Bộ Công thương hay Bộ Y tế. Ông Đức cũng khẳng định việc quảng cáo, đưa nội dung trên internet đã được pháp luật quy định cụ thể. Nếu các cá nhân không biết rõ về sản phẩm nhưng vẫn quảng cáo thổi phồng, “có ít xít ra nhiều” tùy mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính, còn nếu mang tính lừa dối khách hàng sẽ có thể bị xử lý hình sự. “Tuy nhiên, theo xu hướng chung thì nên tăng nặng mức xử phạt hành chính, cụ thể là phạt tiền và áp dụng biện pháp khắc phục hiệu quả tùy theo mức độ vi phạm. Chẳng hạn, đã thu lợi bất chính từ hành vi gian dối 1 đồng thì khi phát hiện có thể bị xử phạt gấp 5 – 10 lần. Ví dụ trường hợp đường dây sản xuất sữa giả vừa được Bộ Công an triệt phá với quy mô lớn, có doanh thu gần 500 tỉ đồng thì trước hết mức xử phạt hành chính phải lớn hơn con số này nhiều lần. Như vậy mới khiến các cá nhân lo sợ vì có khi cả đời vẫn phải làm việc để trừ nợ và khắc phục hậu quả do mình gây ra”, luật sư Trương Thanh Đức nói và giải thích thêm mức xử phạt bằng tiền thật lớn để các cá nhân lo sợ rằng chỉ cần bị phát hiện một lần là họ sẽ “táng gia bại sản” hay làm cả đời cũng không đủ mức phạt. Chỉ như vậy mới đủ sức răn đe các hành vi quảng cáo lố công khai ở mọi lĩnh vực như hiện nay.

Cấm quảng cáo sai sự thật

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định, cụ thể mức phạt tiền từ 60 – 80 triệu đồng khi quảng cáo sản phẩm không đúng hoặc gây nhầm lẫn về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng… Nếu tái phạm, người thực hiện hành vi sẽ thuộc trường hợp bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội quảng cáo gian dối” tại điều 197 bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), với mức án là phạt tiền từ 10 – 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Tuy nhiên, việc áp dụng các quy định này vào thực tế có đạt hiệu quả hay không còn phụ thuộc công tác giám sát, quản lý của cơ quan chức năng. Các cơ quan chức năng phải thường xuyên lắng nghe phản ánh của người dân đối với các trường hợp vi phạm và có biện pháp xử lý kịp thời, ngăn chặn việc lan truyền thông tin quảng cáo sản phẩm kém chất lượng.

Theo Báo Thanh Niên

Leave A Reply

© 2025 Mạng xã hội Truyền thông Thương hiệu BrandMedia. Giấy phép MXH Số 90/GP – BTTTT cấp ngày 10/02/2022. Giấy CNĐKKD số 0316867455, cấp ngày 20/05/2021 bởi sở KHĐT TP.Hồ Chí Minh. Vận hành & phát triển: Công ty Cổ phần VTVCorp
Exit mobile version