Chủ trương xóa bỏ triệt để thái độ định kiến, tình trạng “phân biệt đối xử” với khối doanh nghiệp tư nhân, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng là một trong những điểm đột phá lớn nhất của Nghị quyết 68.
Phá vỡ “vòng lặp ưu tiên”, khơi dậy tâm thế chủ động cho doanh nghiệp tư nhân
Để đạt mục tiêu đến năm 2030, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, một trong những giải pháp được nêu ra tại Nghị quyết 68, là tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực về đất đai, vốn, nhân lực chất lượng cao. Cụ thể, nghị quyết yêu cầu cần xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để tăng cường cơ hội tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh cho kinh tế tư nhân.
Bên cạnh đó, rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng, đa dạng hóa nguồn vốn cho nhiều đối tượng doanh nghiệp (DN) tư nhân cụ thể, bao gồm cả các DN nhỏ và vừa trên quan điểm chung là mở rộng đối tượng, đơn giản hóa thủ tục, quy trình, điều kiện tiếp nhận, thẩm định, cho vay và giải ngân vốn. Đồng thời, tổ chức nhiều chương trình liên kết, giáo dục đặc biệt nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho kinh tế tư nhân.
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, đánh giá sự ra đời của Nghị quyết 68 với tinh thần xóa bỏ triệt để tư tưởng định kiến, phân biệt đối xử đối với DN tư nhân thực sự là một bước ngoặt lớn trong tư duy quản lý và phát triển kinh tế tại VN. Việc bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực mang ý nghĩa phá vỡ “vòng lặp ưu tiên” cũ trong nhiều năm qua.
Theo TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, một rào cản lớn khiến DN tư nhân VN khó bứt phá chính là sự bất bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực phát triển. Đất đai, vốn tín dụng, tài nguyên, lao động chất lượng cao và thậm chí cả cơ hội tham gia vào các dự án lớn đều thường ưu tiên cho DN nhà nước hoặc DN FDI. Điều này tạo nên một “vòng lặp ưu tiên” khiến DN tư nhân luôn ở thế bị động và chịu thiệt thòi. Với Nghị quyết 68, DN tư nhân nay có thể tiếp cận công bằng với những nguồn lực cốt lõi như đất đai, vốn, cơ hội đầu tư công. Đây không chỉ là một sự tháo gỡ về chính sách mà còn là sự gỡ bỏ một rào cản tâm lý lâu dài, mở ra khả năng DN tư nhân tham gia bình đẳng vào các lĩnh vực chiến lược của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, nội dung này giúp khơi thông niềm tin và tạo động lực đầu tư dài hạn. Một hệ quả trực tiếp của sự bất bình đẳng kéo dài trước đây là tâm lý e ngại, đầu tư cầm chừng của khu vực tư nhân. Nhiều DN không dám đầu tư lớn, bài bản vì sợ bị “soi”, bị gây khó dễ, hoặc đơn giản là không thể cạnh tranh nổi với DN nhà nước và FDI vốn có lợi thế tiếp cận trước các nguồn lực. “Nghị quyết 68, nếu được thực thi hiệu quả, sẽ góp phần khơi dậy niềm tin và tâm thế chủ động trong giới doanh nhân tư nhân. Khi được đối xử công bằng và có chính sách rõ ràng, minh bạch, họ sẽ sẵn sàng rót vốn vào các dự án dài hạn, phát triển công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, và xây dựng chiến lược phát triển bền vững thay vì chỉ tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế – Tài chính (Học viện Tài chính), đánh giá việc mở đường cho khối DN tư nhân bình đẳng tiếp cận các nguồn lực phát triển, từ đất đai đến vốn, nhân lực thể hiện xóa bỏ phân biệt đối xử với khu vực kinh tế tư nhân, đồng nghĩa các quy định về môi trường kinh doanh sẽ thông thoáng hơn, công bằng hơn, mở ra không gian phát triển rộng lớn hơn cho các DN.
“Trước đây, không gian phát triển của khối DN tư nhân bị bó hẹp. Họ chỉ được làm những gì nhà nước cho phép hoặc bị giới hạn quyền tiếp cận tới nhiều lĩnh vực, nhiều ngành nghề. Trong bối cảnh thế giới biến động liên tục, công nghệ không ngừng phát triển hiện nay, những sự ràng buộc này sẽ khiến khối DN tư nhân bị chậm chân trong công cuộc cạnh tranh. Khi không gian mở ra, các doanh nhân, DN có thể thoải mái, tự do đổi mới sáng tạo, tạo ra những sản phẩm mới theo kịp tiến trình phát triển của nhân loại, thậm chí vượt lên trước, ngay cả khi chưa có những quy định của nhà nước”, TS Nguyễn Đức Độ phân tích.
Thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, đưa VN làm chủ chuỗi cung ứng
GS-TS Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh (ĐH Kinh tế TP.HCM), khẳng định việc Nghị quyết 68 xác lập rõ ràng nguyên tắc bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực phát triển cho khối DN tư nhân sẽ mở ra một giai đoạn mới cho kinh tế tư nhân VN. Trước đây, chúng ta từng thấy rõ sự phân biệt đối xử, thậm chí định kiến nhất định với khu vực DN tư nhân. Trong các dự án đầu tư công hay những dự án lớn, thường ưu tiên dành cho DN nhà nước quy mô lớn hoặc DN FDI. Họ có lợi thế rõ rệt trong việc tiếp cận đất đai, tài nguyên, vốn và cả nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trong khi đó, DN tư nhân trong nước – đặc biệt là DN vừa và nhỏ – lại gặp không ít rào cản. Giờ đây, những DN lớn trong khối tư nhân như Vingroup, Sun Group, Hòa Phát, Trường Hải… đã khẳng định được vị thế, là các “DN đầu đàn” trong chiến lược phát triển nền kinh tế quốc gia. Với cơ chế mới, các DN nhỏ cũng sẽ có cơ hội tham gia được phần nào của chuỗi cung ứng. Họ sẽ được tạo điều kiện nhận những gói thầu vừa sức, từ đó dần học hỏi để nâng cao năng lực, cũng là cách để VN tự chủ về chuỗi cung ứng, hình thành các lực lượng DN đa dạng quy mô, cùng kéo nhau phát triển.
“Thời gian tới, chúng ta cần có cơ chế khuyến khích để các tập đoàn tư nhân lớn dẫn dắt chuỗi giá trị, tạo liên kết với các DN vừa và nhỏ. Đây là cách hiệu quả để nâng cao năng lực cạnh tranh tổng thể của khu vực tư nhân. DN vừa và nhỏ tuy quy mô hạn chế nhưng lại có khả năng đổi mới nhanh, linh hoạt, đồng thời là lực lượng tạo ra nhiều việc làm, góp phần ổn định xã hội. Vì vậy, bên cạnh việc khơi thông nguồn lực, cần có chính sách hỗ trợ họ về đào tạo nhân lực, tiếp cận vốn, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và cải cách thủ tục hành chính”, GS-TS Võ Xuân Vinh đề xuất.
Phân tích rõ hơn nhận định này, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn chỉ ra rằng: sự mở đường từ Nghị quyết 68 không chỉ đem lại cơ hội mà còn thiết lập lại cuộc chơi theo hướng công bằng hơn, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, ai có năng lực và tài năng thì người đó thắng. Khi DN tư nhân được tham gia bình đẳng, môi trường kinh doanh sẽ trở nên cạnh tranh thực sự. Đây là điều kiện tiên quyết để phát hiện và nuôi dưỡng những DN thực sự có năng lực, có tư duy đổi mới và tầm nhìn phát triển. Thay vì một thị trường bị chia cắt bởi các rào cản mềm và các đặc quyền vô hình, giờ đây mọi DN không phân biệt nguồn gốc vốn nhà nước hay tư nhân, sẽ phải cạnh tranh bằng năng suất, chất lượng, và hiệu quả. Kết quả là sự lành mạnh hóa môi trường kinh doanh và sự hình thành dần dần các DN đầu tàu do người Việt làm chủ, làm chủ chuỗi cung ứng, giảm lệ thuộc vào bên ngoài.
Nghị quyết sẽ kích hoạt làn sóng đổi mới sáng tạo ở khu vực tư nhân
Nghị quyết mới sẽ kích hoạt làn sóng đổi mới sáng tạo trong khu vực tư nhân. Khi những rào cản cũ được dỡ bỏ, họ sẽ không còn bị giới hạn trong những ngành nhỏ lẻ hoặc thị trường ngách mà có thể mạnh dạn đầu tư vào những lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng tái tạo, logistics, chuyển đổi số, và sản xuất thông minh. Những lĩnh vực này không chỉ tạo ra giá trị gia tăng cao mà còn là tương lai của nền kinh tế số. Nếu tận dụng được cơ hội từ Nghị quyết 68, khu vực tư nhân hoàn toàn có thể trở thành hạt nhân đổi mới sáng tạo, từ đó đóng vai trò dẫn dắt trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng của VN, từ chiều rộng sang chiều sâu.
Theo báo Thanh Niên