Sản xuất xanh không còn là một khẩu hiệu hay là một mục tiêu hướng đến mà trở thành yêu cầu sống còn đối với mọi doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lĩnh vực tiêu dùng.
Áp lực từ người tiêu dùng và các cơ chế, chính sách của Nhà nước ngày một siết chặt đang tạo áp lực buộc doanh nghiệp phải nhanh chóng chuyển mình nếu không muốn bị người tiêu dùng quay lưng hoặc lãng quên.
Theo khảo sát của McKinsey, có tới 91% người tham gia khảo sát thuộc thế hệ gen Z cho biết sẵn sàng chi trả cao hơn cho các thương hiệu theo mô hình kinh doanh bền vững.
Người tiêu dùng muốn xài sản phẩm xanh
Chị Nguyễn Phương Hoàng (ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) cho biết mỗi lần đi siêu thị, gia đình chị thường ưu tiên tìm mua các sản phẩm có yếu tố xanh như có tỉ lệ sử dụng nhựa tái chế, nhựa tự hủy cao hay mua các loại sữa có ống hút giấy hoặc ống hút phân hủy…
Đặc biệt, các con của chị Hoàng bắt đầu tìm mua các sản phẩm quần áo, vớ được giới thiệu làm từ vật liệu tái chế thay cho các loại quần áo làm bằng các chất liệu thông thường.
“Khi đặt đồng phục thường niên, công ty chúng tôi cũng ưu tiên tìm đặt các sản phẩm có chất liệu tái chế, vừa dễ phân hủy sau khi sử dụng vừa giúp doanh nghiệp có cơ hội để giới thiệu bản thân đang xài sản phẩm xanh”, chị Hoàng nói.
Tương tự, anh Trần Nam Khang (ngụ quận Bình Thạnh) cũng cho biết anh có xu hướng sẽ tìm mua các sản phẩm mà nhà sản xuất đưa ra các cam kết sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường và dễ dàng tái chế, ngay cả khi các sản phẩm này có giá nhỉnh hơn đôi chút so với sản phẩm cùng phân khúc.
Một khảo sát khác của Công ty nghiên cứu thị trường Intage Việt Nam với người tiêu dùng tại Hà Nội và TP.HCM cho thấy có đến 95% người tiêu dùng đã có ý thức về bảo vệ môi trường, 73% sử dụng thực phẩm được sản xuất hữu cơ và thuần tự nhiên, 44% hạn chế sử dụng túi nhựa.
Đặc biệt, gần 90% người tham gia khảo sát ủng hộ những công ty kinh doanh đạo đức và có trách nhiệm xã hội. Điều này được thể hiện rõ qua các phong trào như hạn chế nhựa dùng một lần và ưu tiên sản phẩm tái chế khiến các doanh nghiệp hiện nay không thể làm ngơ trước xu hướng này.
Thạc sĩ Đặng Bùi Khuê – giám đốc phát triển bền vững TUV NORD Việt Nam – cho hay trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng ưu tiên các sản phẩm và dịch vụ bền vững, các doanh nghiệp chậm thay đổi sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất thị phần đáng kể vào tay các đối thủ tiên phong trong tiêu dùng xanh.
Theo ông Khuê, xu hướng này không chỉ là một trào lưu nhất thời mà đang trở thành một yếu tố cạnh tranh cốt lõi trên thị trường. Dữ liệu từ lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh (CPG) cũng cho thấy các sản phẩm được quảng bá là bền vững đang tăng trưởng nhanh hơn đáng kể so với các sản phẩm không có tuyên bố tương tự.
Trong khi các sản phẩm bền vững chỉ chiếm một phần nhỏ trên thị trường CPG (18,5%), chúng lại đóng góp đến gần 1/3 (31%) vào mức tăng trưởng của thị trường này từ năm 2013 – 2023. Điều này cung cấp bằng chứng rõ ràng về sự chuyển dịch của thị trường sang hướng bền vững.

Sức ép chuyển đổi xanh từ người dùng
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Tâm Khôi – giám đốc marketing khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Lamipak – cho rằng xu hướng sản xuất xanh, tiêu dùng xanh đang tác động mạnh mẽ đến chiến lược phát triển của các doanh nghiệp.
Theo ông Khôi, doanh nghiệp này không chỉ nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong việc giảm thiểu tác động môi trường mà còn cảm nhận rõ áp lực từ phía người tiêu dùng về nhu cầu chuyển đổi sang các sản phẩm thân thiện với môi trường.
“Người tiêu dùng ngày càng quan tâm và đặt ra những tiêu chí khắt khe hơn về tính bền vững. Điều này thúc đẩy chúng tôi đẩy nhanh các hoạt động nghiên cứu và phát triển bao bì xanh hơn”, ông Khôi nói.
Trên thực tế, doanh nghiệp này đã xây dựng một chiến lược phát triển bền vững dài hạn, trong đó tập trung vào phát triển các sản phẩm bao bì sử dụng nguyên liệu tái tạo, cải tiến quy trình sản xuất nhằm giảm phát thải carbon, xây dựng chuỗi cung ứng bền vững với các đối tác có cùng cam kết về bảo vệ môi trường.
“Chúng tôi tin rằng cam kết và hành động thực tế trong phát triển bền vững không chỉ đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng mà còn tạo ra giá trị lâu dài cho cộng đồng và môi trường”, ông Khôi nói.
Ông Tony Nguyễn, giám đốc thương mại của Equo – chuyên cung cấp các sản phẩm bền vững từ phế phẩm nông nghiệp, cho biết nhiều khách hàng sẵn sàng chấp nhận mức giá cao để đổi lấy một sản phẩm đáp ứng tiêu chí bền vững.
Theo ông Tony Nguyễn, các thị trường khác nhau có nhu cầu riêng biệt như Na Uy và Hà Lan ưa chuộng ống hút làm từ bã cà phê và bã mía, trong khi Úc và Bồ Đào Nha lại thích ống hút từ gạo. “Tại Singapore, ống hút làm từ dừa của chúng tôi đã được sử dụng trong các sự kiện lớn như giải đua xe F1 và có mặt trong nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp”, ông chia sẻ.
Tuy nhiên, sản phẩm sinh học vẫn gặp không ít thách thức khi cạnh tranh với nhựa truyền thống. “Giá thành của ống hút sinh học cao hơn đáng kể. Một chiếc ống hút nhựa chỉ có giá khoảng 40-50 đồng, trong khi ống hút làm từ bã mía hiện tại lên đến 350 đồng, tức đắt hơn gấp 7-8 lần”, ông Tony Nguyễn nói.
Dù vậy, doanh nghiệp này cảm thấy cơ hội đang mở ra là không chỉ thành công thị trường quốc tế, các sản phẩm sinh học của doanh nghiệp cũng đang dần được đón nhận tích cực tại Việt Nam khi cả người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp Việt ngày càng quan tâm đến môi trường. “Nhiều chuỗi cửa hàng lớn đã dần chuyển đổi bởi họ nhận thức được rằng cần hành động để bảo vệ môi trường cũng như tạo thiện cảm với khách hàng”, ông Tony Nguyễn chia sẻ.
Theo Báo Tuổi Trẻ