Cuộc sống hằng ngày của chủ doanh nghiệp, của việc vận hành nhà hàng chính là nguồn ý tưởng nội dung vô tận để làm nội dung.
Có một quy luật bất biến là khách hàng ở đâu, doanh nghiệp phải có mặt ở đó. Trong kỷ nguyên số hóa, người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ hầu như ai cũng sinh hoạt trên mạng xã hội, nên ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống (F&B) tại Việt Nam không thể đứng ngoài.
Thảo luận tại “Hội nghị ngành đồ uống Việt Nam” vừa diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Đăng Quỳnh – sáng lập Vitamin Network – chỉ ra sự dịch chuyển trong xu hướng sử dụng các nền tảng mạng xã hội ở Việt Nam. Từ những năm 2010, Facebook nổi lên như một kênh tiếp cận hiệu quả. Đến giai đoạn 2017-2018, Instagram với tính năng lưu địa điểm (save) đã trở thành một công cụ đắc lực cho ngành F&B nhờ khả năng chia sẻ hình ảnh đẹp và lưu trữ thông tin địa điểm một cách trực quan.

Và hiện tại thì TikTok lại đang cho thấy tiềm năng vượt trội nhờ khả năng lan truyền nội dung mạnh mẽ (viral) và sự phổ biến của các nội dung liên quan đến ẩm thực. Ông Quỳnh cho rằng, một trong những yếu tố then chốt tạo nên sự khác biệt của TikTok chính là thuật toán của nền tảng ưu tiên nội dung hấp dẫn và tính địa phương hơn là số lượng người theo dõi ban đầu. Điều này tạo ra một sân chơi công bằng hơn cho các doanh nghiệp nhỏ, giúp họ có cơ hội tiếp cận được lượng lớn người dùng nếu nội dung của họ thực sự chất lượng.
Hơn nữa, khả năng đề xuất nội dung được cá nhân hóa cao của TikTok giúp người dùng dễ dàng khám phá những nội dung phù hợp với sở thích cá nhân, bao gồm cả các quán ăn, nhà hàng, cà phê mà họ có thể quan tâm. Một ưu điểm khác được ông Quỳnh chỉ ra là nội dung được tạo trên TikTok có thể dễ dàng tái sử dụng trên các nền tảng khác như Facebook Reels và YouTube Shorts, giúp doanh nghiệp tối ưu hóa hiệu quả truyền thông và mở rộng phạm vi tiếp cận.
Trong bối cảnh TikTok trở thành một kênh thông tin ẩm thực phổ biến, vai trò của những người đánh giá thực phẩm (food reviewer) cũng có sự thay đổi đáng kể. Ông Quỳnh đánh giá, hợp tác với người đánh giá vẫn là một hình thức mua truyền thông với chi phí tương đối thấp.
Tuy nhiên, hiệu quả lan tỏa của hình thức này đã giảm so với giai đoạn trước đây khi TikTok mới nổi. Lý do là bởi người dùng ngày càng có nhiều nguồn thông tin để tham khảo và mức độ tin tưởng vào các đánh giá tràn lan cũng giảm sút. Vì thế, các doanh nghiệp F&B nên chọn lọc kỹ lưỡng khi sử dụng loại hình này. Nhãn hiệu trà sữa Bông Biên là một ví dụ điển hình về việc tạo được tiếng vang lớn nhờ sự hợp tác hiệu quả với một người đánh giá uy tín kết hợp với một sản phẩm độc đáo và khác biệt.
Một trong những điểm cần lưu ý là tầm quan trọng của việc chủ các doanh nghiệp F&B xây dựng sự hiện diện cá nhân và thương hiệu cho doanh nghiệp của mình trên TikTok. Chị Thuận Nguyễn – người sáng lập 3 o’Clock – chia sẻ kinh nghiệm thực tế của mình rằng, ban đầu chị xây dựng kênh TikTok chỉ với mong muốn kể câu chuyện và chia sẻ kinh nghiệm trong suốt hành trình gần 10 năm phát triển chuỗi cà phê từ một cửa hàng nhỏ. Chị không đặt nặng mục tiêu kênh phải lan tỏa hay thu hút khách hàng ngay lập tức.

Tuy nhiên, cách tiếp cận chân thực và gần gũi này đã mang lại những kết quả bất ngờ: sự nhận biết thương hiệu tăng lên, sự tò mò của khách hàng và sự hiểu biết sâu sắc hơn về giá trị cốt lõi của 3 o’clock. Chị cũng chia sẻ rằng, thông qua kênh TikTok cá nhân, chị nhận được nhiều sự đồng cảm, yêu mến từ cộng đồng mạng, mặc dù cũng không tránh khỏi những ý kiến trái chiều.
Mặc dù tiềm năng của TikTok là rất lớn, các doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị tinh thần đối diện với những thách thức, đặc biệt là phản hồi tiêu cực từ cộng đồng mạng. Đây là một phần không thể tránh khỏi khi có sự hiện diện trên mạng xã hội. Tuy nhiên, việc chia sẻ đam mê và câu chuyện chân thật của chủ sở hữu có thể tạo ra sự thấu hiểu và đồng cảm từ phía khách hàng, giúp giảm thiểu tác động tiêu cực từ những bình luận không mong muốn. Nội dung không nên chỉ tập trung vào tình hình hoạt động của quán hay các khía cạnh quản lý, mà cần hướng đến những thông tin hữu ích, những chia sẻ kinh nghiệm có giá trị cho người xem.
Ông Đỗ Duy Thanh – Giám đốc FnB Director – cũng đồng tình với quan điểm này. Ông cho rằng cuộc sống hằng ngày và vai trò thực tế của chủ doanh nghiệp chính là một nguồn vô tận ý tưởng nội dung. Tính chân thực là chìa khóa để thu hút và giữ chân khán giả, người xem dễ dàng kết nối với những nội dung được thể hiện một cách tự nhiên và không gượng ép. Ông Thanh cũng khuyến nghị nên tránh tạo dựng những hình tượng giả tạo mà nên chia sẻ hành trình cá nhân một cách tự nhiên, bởi “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”. Nội dung vô hạn và giá trị nhất chính là vai trò thật của mỗi người trong cuộc sống và công việc.
Theo ông Thanh, trong quá trình xây dựng chiến lược thương hiệu, điều quan trọng là phải xem xét bốn yếu tố then chốt: tâm trí khách hàng (khách hàng nghĩ gì về thương hiệu), cách tiếp cận (thông qua kênh nào), vị trí (để tiếp cận) và trải nghiệm thực tế (khả năng vận hành và đáp ứng). Ông lưu ý rằng, trong bối cảnh TikTok, các thương hiệu cần có sự thay đổi theo hướng cởi mở và thân thiện hơn. Thay vì một hình ảnh nghiêm túc và khuôn mẫu, việc xuất hiện một cách gần gũi, chia sẻ những khía cạnh đời thường của người chủ có thể tạo được sự kết nối mạnh mẽ hơn với khán giả.
Ông nhấn mạnh rằng, mặc dù thông điệp cốt lõi của thương hiệu vẫn cần được truyền tải nhất quán, cách thể hiện trên mạng xã hội cần phù hợp với tính giải trí của nền tảng. Ví dụ, một doanh nhân có thể xuất hiện với trang phục thoải mái hơn trong cuộc sống hằng ngày thay vì luôn chỉn chu trong bộ vest. Quan trọng là thông điệp định vị cần được lặp đi lặp lại, nhưng đồng thời cần khai thác thêm những nội dung về cuộc sống thường nhật của những người làm trong ngành F&B, bởi đây là những câu chuyện thật nhất và dễ tạo sự đồng cảm nhất.
Bằng cách nắm bắt sự chân thực, hiểu rõ cách thức hoạt động của nền tảng và liên tục tạo ra nội dung có giá trị, các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô đều có thể tận dụng mạng xã hội để xây dựng nhận diện thương hiệu, nuôi dưỡng lòng trung thành của khách hàng và đạt được sự phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.
Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp