Sữa bột, thực phẩm, nông sản tăng 20-40% so với cách đây một năm, khiến người tiêu dùng thêm thắt chặt chi tiêu.
Hai tháng trở lại đây, chị Hoàng Anh (quận Bình Thạnh, TP HCM) cắt giảm lượng thịt heo trong bữa ăn của gia đình do loại thực phẩm này đắt đỏ hơn trước. Những món như thịt gà, vịt hay đậu hũ được chị thay thế thường xuyên cho bữa cơm gia đình, để tiết kiệm chi phí.
“Năm ngoái, mỗi kg sườn non chỉ khoảng 135.000-140.000 đồng, nay đã lên 200.000-210.000 đồng”, chị nói.
Ghi nhận của VnExpress tại nhiều chợ truyền thống, thịt heo tăng 30-40% tùy loại so với năm ngoái. Chẳng hạn, thịt nạc nọng heo hiện ở mức 220.000 đồng mỗi kg, sườn non 200.000-210.000 đồng, ba chỉ 180.000-190.000 đồng, các loại thịt khác dao động 140.000-170.000 đồng.
Thịt bò nội địa cũng đắt thêm khoảng 10%, lên 220.000-300.000 đồng một kg. Các loại thủy sản tăng 16-20% so với năm ngoái. Cá thu, cá bớp lên đến 350.000 đồng một kg; mực 280.000-350.000 đồng.
Tương tự, cá điêu hồng, cá lóc thêm 15%, lên 80.000-100.000 đồng; cá thát lát chạm ngưỡng 400.000 đồng một kg.

Giá thực phẩm tăng tạo áp lực lớn lên chi tiêu hàng ngày của nhiều gia đình thành thị. Mỗi tháng tiền chi tiêu của gia đình chị Lan (quận Gò Vấp) đã tăng 10-15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo chị, ngoài thực phẩm tươi sống, giá các mặt hàng tiêu dùng nhanh và sữa bột trẻ em, gas… đều đi lên. Chẳng hạn, một thùng sữa bột nước 180 ml của hãng sữa ngoại từng có giá 720.000 đồng, nay tăng lên 780.000 đồng, tức đắt thêm 8% so với trước.
Nhiều mặt hàng nông sản như cà phê, hạt tiêu, ca cao cũng lập mặt bằng giá mới. Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, mỗi kg hạt nhân xô dao động 134.000-135.000 đồng, kéo theo giá cà phê rang xay tăng 30-35% lên 200.000-350.000 đồng một kg. Hạt tiêu và ca cao khô cũng tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh nghiệp và người bán lẻ đối mặt khó khăn do giá nguyên liệu đầu vào tăng. Từ đầu năm đến nay, Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) – doanh nghiệp chuyên sản xuất, chế biến, có hệ thống phân phối thịt heo và thực phẩm toàn quốc – đã hai lần tăng giá sản phẩm. Gần đây họ điều chỉnh giảm, nhưng theo ông Phan Văn Dũng – Phó tổng giám đốc Vissan, mức này không đáng kể do chi phí đầu vào vẫn cao, sức mua yếu.
Tại một cửa hàng sữa ở quận Gò Vấp, nhiều dòng sữa bột và sữa nước được điều chỉnh giá nhẹ từ đầu năm. Chủ cửa hàng cho biết trong tháng tới, một số dòng sữa (nội địa và nhập khẩu) sẽ tăng 5-16%. Loại chứa socola tăng mạnh hơn, do giá nguyên liệu này neo ở mức cao.
Các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo, dầu ăn trong nước cho biết đang cố gắng giữ giá, nhưng thừa nhận khó cầm cự lâu dài khi nguyên liệu tăng giá.
Tình trạng này cũng được ghi nhận ở thị trường quốc tế. Tại châu Âu, FrieslandCampina công bố giá sữa nguyên liệu tháng 4 gần 58,5 euro mỗi 100 kg, tăng 1,5 euro so với tháng trước. Ở Ấn Độ, Heritage Foods cũng điều chỉnh sản phẩm sữa để bù chi phí nhiên, nguyên liệu.

Bà Nguyễn Thị Ngọc, chủ tiệm tạp hóa trên đường Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh), cho hay đầu năm thường là thời điểm giá cả hạ nhiệt, nhưng năm nay lại trái ngược. Nhiều mặt hàng như sữa, dầu ăn, cà phê và hạt tiêu liên tục tăng.
“Mỗi mặt hàng thêm 5-10% khiến lợi nhuận cửa hàng thu hẹp, trong khi sức mua giảm 30%”, bà nói.
Tại một quán phở ở Trần Khắc Chân (Phú Nhuận), chủ quán thông báo tăng thêm 5.000 đồng mỗi tô, lên 40.000-50.000 đồng. Chủ quán cho biết nếu phải thuê mặt bằng, giá còn tăng nữa.
Tương tự, chuỗi bánh mì chả cá Má Hải cũng buộc phải nâng giá mỗi chiếc bánh từ 15.000 đồng lên 18.000-22.000 đồng, tùy loại. “Từ bao bì đến nguyên liệu đều tăng, không điều chỉnh thì lỗ”, nhân viên một xe đẩy của chuỗi này nói.
Với thịt heo, ông Nguyễn Kim Đoán – Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho rằng giá tăng mạnh do nguồn cung sụt giảm vì dịch bệnh, khiến sản lượng chạm đáy 5 năm. Trong khi đó, giá heo giống tăng cao, tái đàn chậm, tiếp tục gây áp lực lên đầu ra.

Người tiêu dùng đang dè dặt hơn trong chi tiêu khi giá cả leo thang. Theo bà Nguyễn Phương Nga – Giám đốc kinh doanh cấp cao của Kantar Worldpanel Việt Nam – tâm lý chung hiện nay là chờ đợi và thận trọng. “Người tiêu dùng không biết ngày mai thay đổi thế nào, nên chi tiêu thận trọng hơn”, bà nói tại hội thảo hôm 11/4.
Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I tăng 9,9% so với cùng kỳ 2024, nhưng loại trừ yếu tố giá thì chỉ còn 7,5%. Trong đó, bán lẻ tăng 8,8%, thấp hơn mức trung bình. Với ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), tăng trưởng đầu năm đạt 4,3%, chủ yếu nhờ giá tăng chứ không phải do tiêu dùng tăng.
Theo số liệu của Cục Thống kê, chỉ số CPI quý I tăng 3,22%, trong mức kiểm soát dưới 4%. Tuy nhiên, các nhóm hàng thiết yếu đều tăng như thịt heo 12,5%, dịch vụ y tế 14,4%, vật liệu xây dựng 5,11%…
Trong bối cảnh này, các chuyên gia cảnh báo biến động thương mại toàn cầu cũng có thể tạo thêm áp lực. Nếu các chính sách thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump quay trở lại, giá thực phẩm và nông sản xuất khẩu vào Mỹ có thể tăng cao, gián tiếp tác động đến thị trường trong nước. Điều này khiến cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng Việt Nam đều phải tính toán kỹ hơn cho những tháng tới.
Theo Vne