Kể từ ngày 1.7, mô hình hành chính mới 2 cấp chính thức hoạt động. Một số quy định liên quan về thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp có sự thay đổi.
Chính phủ đã ban hành Nghị định 168/2025 về đăng ký doanh nghiệp và cũng có hiệu lực kể từ ngày 1.7. Nghị định nêu rõ, thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật là quyền của cá nhân, tổ chức và được Nhà nước bảo hộ.
Trong đó, cơ quan đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp thuộc Sở Tài chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Cơ quan đăng ký kinh doanh có thể tổ chức các điểm để tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại các địa điểm khác nhau trên địa bàn cấp tỉnh. Ban quản lý khu công nghệ cao cấp đăng ký doanh nghiệp đối với doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh có địa chỉ đặt trong khu công nghệ cao.

Riêng hộ kinh doanh sẽ thực hiện đăng ký kinh doanh ở cấp xã. Cụ thể, hộ kinh doanh đăng ký tại Phòng Kinh tế (đối với xã, đặc khu) hoặc Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị (đối với phường và đặc khu Phú Quốc) thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã (Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp xã).
Nghị định mới cũng nêu rõ, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký thuế của doanh nghiệp. Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký thuế của chi nhánh, văn phòng đại diện. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện không phải là giấy phép kinh doanh.
Người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp nộp 1 bộ hồ sơ khi thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp. Cơ quan đăng ký kinh doanh không được yêu cầu người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp nộp nhiều hơn 1 bộ hồ sơ hoặc giấy tờ khác ngoài các giấy tờ trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại luật Doanh nghiệp và Nghị định này.
Đáng chú ý, mã số doanh nghiệp đồng thời là mã số thuế. Mỗi doanh nghiệp được cấp một mã số duy nhất gọi là mã số doanh nghiệp. Mã số này đồng thời là mã số thuế của doanh nghiệp. Mã số doanh nghiệp tồn tại trong suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp và không được cấp lại cho tổ chức, cá nhân khác. Khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động thì mã số doanh nghiệp chấm dứt hiệu lực. Mã số doanh nghiệp được tạo, gửi, nhận tự động bởi Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Hệ thống ứng dụng đăng ký thuế và được ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Mã số đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp được cấp cho chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp. Mã số này đồng thời là mã số thuế của chi nhánh, văn phòng đại diện. Mã số địa điểm kinh doanh là mã số gồm 5 chữ số được cấp theo số thứ tự từ 00001 đến 99999. Mã số này không phải là mã số thuế của địa điểm kinh doanh.
Đối với chi nhánh, văn phòng đại diện đã thành lập trước ngày 1. 11.2015 nhưng chưa được cấp mã số đơn vị phụ thuộc, doanh nghiệp liên hệ trực tiếp với cơ quan thuế để được cấp mã số, sau đó thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh theo quy định…
Theo Báo Thanh Niên