Trong nhịp sống hiện đại đầy bận rộn, việc duy trì sự tập trung trở thành một thách thức lớn đối với không ít người, đặc biệt là giới trẻ. Thực tế, rất nhiều người gặp phải tình trạng xử lý công việc không đâu vào đâu, từ việc quên mất nhiệm vụ chính giữa chừng, cho đến tình trạng vừa ăn vừa lo lắng công việc hay nghĩ về những chuyện khác trong lúc họp. Đây là những dấu hiệu rõ ràng của vấn đề mất tập trung trong công việc.
Trong môi trường làm việc ngày càng căng thẳng với khối lượng công việc chồng chất, nhân viên thường xuyên phải đối mặt với vô số nhiệm vụ “gấp” cùng lúc. Điều này dẫn đến việc họ không thể phân biệt rõ công việc nào thực sự cần ưu tiên, từ đó khiến năng suất công việc giảm sút. Vậy, khi tất cả công việc đều cấp bách, làm sao để giải quyết chúng một cách hiệu quả?
Tập Trung Quá Vào “Task Gấp” Dễ Dẫn Đến Mất Kiểm Soát Công Việc Chính
Mỗi ngày, nhân viên thường xuyên phải hỗ trợ các phòng ban khác nhau, từ việc phối hợp thiết kế đến giải quyết vấn đề phát sinh. Thế nhưng, đôi khi họ lại bị cuốn vào vòng xoáy của những công việc “gấp” mà quên đi việc quan trọng mình đang làm. Việc liên tục hỗ trợ đồng nghiệp từ phòng ban này sang phòng ban khác khiến họ mất phương hướng và không còn nhớ được nhiệm vụ chính của mình.
Anh K.L (Designer, 24 tuổi) chia sẻ: “Mỗi ngày mình phải hỗ trợ nhiều phòng ban với công việc thiết kế hình ảnh. Nhưng khi ai cũng nói công việc của họ gấp hơn, mình thường phải mất khá nhiều thời gian để xử lý từng việc một.”
Chị A.M (Senior Account, 25 tuổi) cũng gặp phải vấn đề tương tự khi phải giao tiếp với nhiều khách hàng: “Khi task nào cũng gấp, mình thường bị rối và không biết nên bắt đầu từ đâu, dễ bị bỏ qua những việc quan trọng.”
Ngoài việc bị cuốn vào những nhiệm vụ cấp bách, nhân viên còn gặp khó khăn khi quay lại xử lý công việc chưa hoàn thành vì không biết mình đã làm đến đâu. Khi cuối giờ làm, họ lại phải làm thêm giờ để hoàn thành công việc, dẫn đến tình trạng tăng ca không mong muốn.
Chị A.M cho biết: “Mình đã phải áp dụng phương pháp ghi chú rõ ràng những nhiệm vụ cần ưu tiên, những nhiệm vụ có thể hoãn lại, và những nhiệm vụ có thể thương lượng thời gian để xử lý sau. Điều quan trọng là phải trao đổi rõ ràng về thời hạn với các phòng ban để tránh bị gián đoạn trong công việc.”
Mất Tập Trung Do Những Suy Nghĩ Ngoài Lề
Ngoài việc bị cuốn vào công việc gấp gáp, sự xao nhãng còn đến từ những suy nghĩ vụn vặt trong ngày. Đang giải quyết công việc này nhưng đầu óc lại nghĩ đến chuyện khác như ăn gì trưa nay, hay việc cần làm tiếp theo. Những thói quen này tuy vô hại nhưng nếu không kiểm soát tốt, chúng có thể làm giảm khả năng tập trung và hiệu suất công việc.
Chị L.N (Social Media, 20 tuổi) chia sẻ: “Lúc mới đi làm, mình thường xuyên mất tập trung. Ví dụ đang viết bài nhưng lại nghĩ đến việc lướt TikTok. Cuối ngày, mình vẫn chưa hoàn thành công việc.”
Anh H.T (Content Writer, 22 tuổi) cũng từng rơi vào tình trạng này: “Thỉnh thoảng mình đang làm việc nhưng lại vô tình chuyển sang tab khác và lướt mạng xã hội cả buổi. Khi quay lại công việc, mình cảm thấy rất khó khăn vì bị cảm giác làm việc không còn năng suất nữa.”
Cả anh H.T và chị L.N đều đồng ý rằng, để cải thiện tình trạng này, nhân viên cần phải khắt khe hơn với bản thân, tạo ra sự tập trung và kỷ luật trong công việc. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà còn đến hiệu suất của cả đội nhóm và công ty.
Mất Tập Trung: Rủi Ro Mất Việc
Mất tập trung kéo dài không chỉ làm giảm hiệu suất cá nhân mà còn có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng như mất việc. Trong bối cảnh các công ty đang cố gắng tối ưu hóa chi phí và nhân sự, những nhân viên không duy trì được hiệu suất làm việc thường sẽ bị đưa vào diện xem xét cắt giảm.
Doanh nghiệp không thể liên tục nhắc nhở một nhân viên về sự xao nhãng trong công việc. Khi tình trạng này kéo dài, họ buộc phải đưa ra quyết định sa thải để đảm bảo hiệu suất công việc chung. Đặc biệt trong thời kỳ tinh giản nhân sự, những nhân viên thiếu tập trung sẽ dễ dàng trở thành mục tiêu của các đợt cắt giảm.
Trong môi trường làm việc hiện đại, hiệu suất công việc không chỉ được đánh giá qua thái độ mà còn qua các chỉ số cụ thể như KPIs hay báo cáo công việc. Nếu không thể duy trì sự tập trung và hoàn thành nhiệm vụ đúng hạn, nhân viên sẽ rất dễ bị thay thế.
Làm Thế Nào Để Cải Thiện Sự Tập Trung?
Mất tập trung trong công việc không chỉ là một thói quen xấu mà còn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự nghiệp. Để cải thiện hiệu suất làm việc, điều quan trọng là phải biết cách phân bổ thời gian hợp lý, ưu tiên công việc quan trọng và học cách từ chối những nhiệm vụ không cấp bách.
Một môi trường làm việc tối ưu, thói quen làm việc lành mạnh và sự tập trung cao độ vào công việc chính là yếu tố giúp mỗi nhân viên không chỉ nâng cao hiệu quả công việc mà còn khẳng định được giá trị của bản thân trong doanh nghiệp.
Tổng hợp.