Dân mạng đang đua nhau đăng hình ‘biến hóa’ lung linh nhờ ứng dụng giúp thay đổi diện mạo, ngoại hình cho tới quần áo, kiểu tóc, tiểu tiết như màu son nhờ trí tuệ nhân tạo (AI) chỉ với một nhấp.
Cộng đồng mạng: Từ nay khỏi cần mua váy vóc, áo quần nữa
Rất nhiều bạn trẻ sau khi dùng qua “Máy chụp ảnh đa năng – BeautyCam” đều có chung cảm nhận ngỡ ngàng. Bởi gần như ứng dụng này có đủ mọi chức năng, từ chụp hình (ảnh chân dung, ảnh màu film, ảnh chuyên nghiệp với chế độ DSLR), chỉnh sửa ảnh và chỉnh sửa video.
Từ chiều 18-2, dân mạng rần rần chia sẻ những tấm hình đẹp lung linh nhưng không kém phần ảo diệu được chỉnh sửa. “Đốn tim” giới trẻ là khi ứng dụng này tạo ra các lệnh chỉnh sửa ảnh, video đều được tích hợp AI tự động hoàn toàn. Vẫn có thể chỉnh sửa thủ công, từng tiểu tiết từ nét mặt, xóa nhăn, che khuyết điểm, gò má, môi cho tới màu son…
Một tính năng rất đặc biệt được nhiều bạn trẻ trong nước “đua” nhau dùng đó là tủ đồ AI. Việc chỉ cần chọn một bức hình có sẵn, chọn một kiểu váy, áo quần, phụ kiện… rồi để AI xử lý. Kết quả có ngay sau vài giây: một tấm hình với khuôn mặt cũ nhưng được thay đổi hoàn toàn trang phục.
Cũng từ đó, nhiều bạn trẻ đùa rằng từ nay chẳng cần đầu tư quá nhiều tiền để mua váy, quần áo, giày dép.
Người dùng vẫn hoài nghi về bảo mật, riêng tư
Việc cùng lúc có quá nhiều người dùng tính năng tủ đồ AI khiến BeautyCam này liên tục báo quá tải vào tối 18-2.
Theo thông tin trên App Store, “máy chụp ảnh đa năng – BeautyCam” thuộc nhà phát hành Xiamen Meitu Technology Co., Ltd. Meitu Inc. là một công ty công nghệ Trung Quốc, thành lập vào năm 2008 với lĩnh vực chính là sản xuất điện thoại thông minh và các ứng dụng chụp ảnh.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, bạn Thúy Trinh (26 tuổi, ngụ TP.HCM) cho biết cạnh các tính năng chụp ảnh, chỉnh sửa ảnh như xóa phông, tô son điểm phấn thì tính năng AI của BeautyCam mới là điểm nhấn thu hút cô.
Khi mà từ AI, BeautyCam này có thể giúp người dùng có một bức ảnh như chuyên nghiệp dù đang ở đâu. Các tính năng như sửa biểu cảm, xóa vật thể thừa, mở rộng khổ ảnh, hiệu ứng biến hình nhờ AI cũng đang rất “hot” với người trẻ.
Tuy nhiên Thúy Trinh và nhiều người dùng khác cũng đang hoài nghi về khả năng riêng tư, bảo mật thông tin người dùng từ BeautyCam.
Cùng lo lắng như trên, bạn Ngọc Đức (27 tuổi, ngụ quận 1) cho rằng việc ứng dụng tự do thay đổi hình dạng, trang phục một người sau một cái nhấp sẽ khiến những ai có ý đồ xấu vô tư “xào nấu” để giả mạo ai đó.
Trên App Store, BeautyCam được xếp vào nhóm các ứng dụng 12+. Nghĩa là ứng dụng này “thỉnh thoảng chứa một ít ngôn ngữ thô tục ở mức độ nhẹ, nội dung bạo lực hoạt hình, bạo lực kỳ ảo hoặc bạo lực thực tế xuất hiện dày đặc và thô bạo. Đôi khi có các chủ đề người lớn hoặc khiêu gợi ở mức độ nhẹ, cũng như có cờ bạc mô phỏng. Những nội dung này có thể không phù hợp với trẻ em dưới 12 tuổi”.
Cẩn trọng khi cài đặt, cấp quyền truy cập cho các ứng dụng
Trao đổi nhanh với Tuổi Trẻ Online, thượng tá, tiến sĩ, chuyên gia tâm lý tội phạm học Đào Trung Hiếu cho rằng khi cài đặt ứng dụng, nhiều người vô tư cấp quyền cho các ứng dụng truy cập vào hầu hết các tính năng hiện có trên điện thoại.

Trong đó, việc cấp quyền truy cập vào thư viện ảnh vô tình giúp ứng dụng này có thể thu thập và phân tích toàn bộ hình ảnh, bao gồm cả ảnh nhạy cảm. Một số ứng dụng có thể âm thầm kích hoạt camera mà không cần sự đồng ý rõ ràng, tạo nguy cơ bị theo dõi.
Nguy cơ bị nghe lén là có thật nếu ứng dụng có quyền truy cập microphone mà không được kiểm soát. Một số ứng dụng còn lấy thông tin về vị trí, danh bạ, tin nhắn, lịch sử cuộc gọi, tạo điều kiện cho các hành vi xâm phạm quyền riêng tư.
Việc liên tục cập nhật hình ảnh cá nhân lên mạng xã hội có thể dẫn đến nhiều rủi ro cho mọi người. Như việc bị đánh cắp danh tính, giúp hacker có thể sử dụng ảnh để tạo tài khoản giả mạo hoặc deepfake. Ảnh có thể chứa metadata (EXIF), tiết lộ vị trí chụp, thời gian, thiết bị sử dụng… giúp kẻ xấu theo dõi.
Bị lợi dụng để tạo nội dung giả mạo từ AI, hiện nay có thể chỉnh sửa và ghép ảnh rất tinh vi, tạo ra những bức ảnh hoặc video không có thật nhằm mục đích lừa đảo, bôi nhọ danh dự.
Tấn công tâm lý, lừa đảo qua mạng, vì kẻ xấu có thể khai thác hình ảnh để dụ dỗ, tống tiền hoặc tấn công qua kỹ thuật social engineering (kỹ thuật lừa đảo dựa trên tâm lý con người).
Từ đó, chuyên gia tâm lý tội phạm học Đào Trung Hiếu cho rằng người dùng cần chủ động bảo vệ mình hơn.
Thông qua việc kiểm tra quyền truy cập của các ứng dụng, kiểm tra nguồn gốc ứng dụng, sử dụng công cụ để loại bỏ thông tin EXIF trước khi đăng ảnh lên mạng, hạn chế chia sẻ ảnh theo thời gian thực, dùng các ứng dụng có độ tin cậy cao và kiểm tra, gỡ quyền sau khi không dùng app.
“Ứng dụng chỉnh ảnh có thể mang lại trải nghiệm thú vị, nhưng cũng là con dao hai lưỡi nếu không cẩn thận. Trong thời đại AI phát triển mạnh, việc bảo vệ dữ liệu cá nhân là điều quan trọng hơn bao giờ hết. Người dùng cần tỉnh táo trước khi cấp quyền, tránh để hình ảnh cá nhân trở thành công cụ cho kẻ xấu lợi dụng”, ông Đào Trung Hiếu nói.
Theo Báo Tuổi Trẻ